Cảnh báo 10 nguyên nhân lớn khiến bạn mắc bệnh hay quên
Theo khảo sát của Bộ Y tế cho thấy cứ sau 5 năm, tỷ lệ bệnh nhân hay quên, đãng trí tăng 1,5-2 lần. Tuổi tác, áp lực công việc, dùng bia rượu… đã gây ra bệnh lý thoái hóa thần kinh dẫn đến suy giảm trí nhớ và mắc bệnh hay quên.
Mục lục
1, Rối loạn tuyến giáp
Rối loạn tuyến giáp được biết như là tác nhân gây ra bệnh đãng trí, hay quên. Nguyên nhân do khi suy chức năng tuyến giáp dẫn tới giảm sản sinh hormone tuyến giáp. Từ đó làm chậm quá trình trao đổi chất, gây mệt mỏi và có thể làm giảm trí nhớ. Nếu trong gia đình chúng ta có một thành viên có tiền sử mắc các bệnh về tuyến giáp thì khả năng chúng ta bị di truyền và nguy cơ mắc bệnh là rất cao. Nếu không may gặp phải vấn đề suy giáp hay cường giáp thì cách duy nhất để hỗ trợ trí nhớ là đến khám tại các phòng khám chuyên khoa để được kê đơn chữa bệnh triệt để. Khi các tuyến giáp hoạt động ổn định trở lại thì trí nhớ của bạn cũng sẽ tốt hơn.
Đọc tiếp: Bệnh hay quên: Nguyên nhân và cách điều trị
2, Thiếu ngủ, mất ngủ thường xuyên
Giấc ngủ rất quan trọng vì nó có tác dụng chăm sóc, tái tạo giúp não bộ được phục hồi và hoạt động trơn tru hơn. Khi ngủ, sóng não sẽ được tạo ra nhằm lưu trữ các thông tin và chuyển các thông tin đó đến vỏ não trước trán để lưu giữ kí ức. Khi bị thiếu ngủ, những ký ức không thể di chuyển về phía vỏ não trước trán dẫn đến việc lãng quên và mất trí nhớ ngắn hạn. Việc ngủ quá ít hoặc mất ngủ thường xuyên vào ban đêm không chỉdẫn đến tình trạng mệt mỏi, thiếu tập trung mà còn gây khó khăn cho việc tiếp thu và củng cố thông tin dữ liệu trong não. Các nhà khoa học từ lâu đã khuyến cáo việc thiếu ngủ về lâu dài sẽ gây ra sự lãng quên. Vì vậy, ngủ đủ giấc là điều kiện đầu tiên giúp chúng ta cải thiện trí nhớ và ngăn chặn suy giảm nhận thức.
3, Lạm dụng thuốc và chất gây nghiện (nhất là ma túy)
Việc lạm dụng thuốc quá nhiều sẽ ngày càng khiến trí nhớ chúng ta bị suy giảm và dễ mắc chứng bệnh hay quên. Một số thành phần trong thuốc có thể gây hiện tượng đãng trí ở người uống như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc chống dị ứng, thuốc giãn cơ, thuốc ngủ, và vài loại thuốc giảm đau, móc phin… Ma túy khiến con người trở nên lười biếng, ít suy nghĩ, càng ngày bộ não càng kém hoạt động dẫn đến đầu óc không linh hoạt, đờ đẫn.
4, Mang thai
Theo các nhà nghiên cứu tại trường đại học California, chứng hay quên ở phụ nữ mang thai đó do việc tăng hàm lượng hooc môn và sự thay đổi thứ tự ưu tiên trong não bộ của thai phụ. Họ khẳng định rằng: các kích thích tố được cơ thể người phụ nữ mang thai tạo ta để giúp tử cung co lại và hỗ trợ sản xuất sữa sẽ ảnh hưởng đến não bộ. Ngoài ra, khi mang thai mặc dù chỉ số IQ của bà bầu không thay đổi nhưng việc đặt em bé lên hàng đầu trong mọi suy nghĩ khiến cho mức độ quan tâm, ghi nhớ dành cho những công việc khác trong bộ não bị giảm sút.
5, Căng thẳng kéo dài
Những người trầm cảm hoặc hay lo lắng thường mất khả năng tập trung, kém linh hoạt trong công việc và minh mẫn trong cuộc sống. Khi đang bị stress hoặc căng thẳng, tâm trí của chúng ta sẽ bị phân tán do những kích thích quá mức cần thiết dẫn đến khả năng ghi nhớ bị chèn ép, lâu dần sẽ hủy hoại cơ thể về nhiều mặt, đặc biệt là việc tác động đến não bộ và làm chúng ta ngày càng dễ quên và khó nhớ.
Ngoài ra, bộ não của con người sẽ là tốt nhất khi tập trung làm một việc trong một lúc. Tuy nhiên, áp lực công việc và thời gian đã khiến chúng ta phải làm quá nhiều việc và phải làm nhiều việc cùng một lúc dẫn đến bộ não bị “quá tải”. Đó chính là lý do dẫn đến chứng hay quên ở người trẻ.
6, Rượu bia, thuốc lá
Uống quá nhiều rượu có thể ngăn cản việc chuyển ký ức từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn. Bởi vậy những người uống rượu thường không thể nhớ những gì đã xảy ra trong suốt khoảng thời gian họ uống. Một điều quan trọng nữa, người uống quá nhiều rượu trong một thời gian dài sẽ gây đến một căn bệnh rất nguy hiểm và khó chữa là: teo tiểu não.
Ngoài ra, nhiều nghiên cứu đã cho thấy những người nghiện hút thuốc lá gặp nhiều khó khăn trong việc nhớ tên và nhận diện khuôn mặt hơn so với những người bình thường. Bởi thuốc lá có thể làm suy giảm trí nhớ vì làm giảm lượng ô-xy lưu thông lên não gây nguy hiểm cho não bộ dẫn đến mất trí nhớ, căng thẳng, trầm cảm và các biến chứng khác về thần kinh.
7, Tuổi tác
Số lượng tế bào não bắt đầu giảm dần một ít từ 20 tuổi. Khi chúng ta bước vào tuổi trung niên, các tế bào não trở nên chậm chạp hơn. Bộ nhớ không còn được sắc nét. Theo mức độ lão hóa của cơ thể, các quá trình teo và loạn dưỡng trong các tế bào thần kinh ngày càng gia tăng dẫn đến suy giảm trí nhớ, đãng trí, hay quên.
8, Thiếu chất dinh dưỡng
Bộ não con người chỉ hoạt động hiệu quả khi cơ thể được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng. Khi thiếu máu, thiếu sắt sẽ dẫn đến các triệu chứng phổ biến như hoa mắt, chóng mặt, xanh xao cùng với áp lực công việc cao gây ra tình trạng hay quên, đãng trí. Ngoài ra, thiếu vitamin B1 và B12 cũng là nguyên nhân khiến trí nhớ bị ảnh hưởng khá nhiều.
9, Huyết áp cao
Khi huyết áp cao, cấu trúc mạch máu sẽ mạch dày hơn và việc lưu thông máu trong cơ thể trở nên khó khăn. Kết quả là các cơ quan trong cơ thể cũng sẽ bị tổn thương, đặc biệt là não bộ. Điều này tác động tới nhận thức của con người, khả năng ghi nhớ sẽ suy giảm và chúng ta trở nên hay quên, đãng trí hơn.
10, Chấn thương vật lý
Một cú va đập vào vùng đầu không may do ngã xe hoặc trượt ngã làm chấn thương não có thể gây mất trí nhớ tạm thời hoặc có khi vĩnh viễn. Trong các trường hợp chấn thương không quá nghiêm trọng, trí nhớ có thể phục hồi dần theo thời gian.
Trên đây là 10 nguyên nhân dẫn đến nguy cơ mắc chứng hay quên cao. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp những kiến thức bổ ích, giúp chúng ta có những thông tin để tự chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của mình, tránh xa những hậu quả xấu của căn bệnh đến công việc và sinh hoạt hàng ngày.
Xem thêm: Chữa bệnh hay quên như thế nào?
Theo teonao.vn
Bài viêt liên quan
- Top 12 thực phẩm bổ não tăng cường trí nhớ bạn nên ăn
- Tổng hợp 6 cách tăng cường trí nhớ đơn giản, dễ thực hiện
- Cảnh báo: Có nên uống thuốc bổ não tăng cường trí nhớ?
- Suy giảm trí nhớ sau sinh – Nguyên nhân và cách khắc phục
- Cách khắc phục, điều trị suy giảm trí nhớ
- Những nguyên nhân gây suy giảm trí nhớ và cách phòng tránh
- Suy giảm trí nhớ nên uống thuốc gì để cải thiện và điều trị