Vỡ mạch máu não: Triệu chứng và cách điều trị
Vỡ mạch máu não là một tình trạng rất nguy hiểm của bệnh lý thần kinh sọ não. Trong bệnh lý này, vì một lý do nào đó, mạch máu não bị vỡ và máu tràn vào trong não bộ. Tình hình trở nên phức tạp và nặng nề từ khi máu bắt đầu chảy ra, gây chèn ép vào não làm não bị tổn thương nặng nề.
1, Vỡ mạch mãu não là gì?
Vỡ mạch máu não là căn bệnh xảy ra khi mạch máu trong não bị vỡ, máu không đến nuôi não được mà chảy tràn ra chèn ép vào não làm não bị hư hại. Nếu lượng máu chảy nhanh, gây tăng áp lực đột ngột có thể dẫn đến mất ý thức hoặc tử vong.
2, Triệu chứng của vỡ mạch mãu não
Vỡ mạch máu não có thể được báo trước với một số triệu chứng như:
- Có cơn đau đầu dữ dội: trên 50% bệnh nhân bị xuất huyết não đều có dấu hiệu này đầu tiên.
- Chóng mặt, ù tai, choáng váng, có khi là ngất xỉu.
- Chân tay run, co giật, không đứng vững, không cầm nổi đồ vật…
- Thỉnh thoảng đang nói chuyện bỗng dưng mất kiểm soát không nói được, uống nước bị sặc
- Nhìn vật không rõ, méo xếch một bên mồm và một bên mắt.
- Trí nhớ giảm sút nhanh chóng, hay quên hoặc quên hoàn toàn mọi thứ nhanh chóng …
Đọc tiếp: Dấu hiệu chung nhận biết đột quỵ não
3, Nguyên nhân gây vỡ mạch máu não
Các nguyên nhân gây vỡ mạch máu não (không kể nguyên nhân do chấn thương) chủ yếu là do:
- Tăng huyết áp
- Vỡ túi phồng động mạch và túi phồng động mạch và túi phồng động mạch – tĩnh mạch.
- Chảy máu não sau nhồi máu.
- Chảy máu não do viêm động mạch hoặc tĩnh mạch.
- Chảy máu não tiên phát (không rõ nguyên nhân gì).
- Các nguyên nhân khác: Dị dạng mạch máu não, thoái hóa mạch máu não, u não, bệnh máu khó đông…
Trong đó, tăng huyết áp là nguyên nhân chính, chủ yếu gặp trong 50 – 60% số bệnh nhân vỡ mạch máu não. xảy ra khi tăng huyết áp lâu ngày không chữa trị tốt. Huyết áp, tức là áp lực máu chảy trong mạch máu, tăng cao lâu ngày làm mạch máu thường xuyên bị căng, dẫn tới rạn nứt, tổn thương thành mạch máu, tạo ra các chỗ phình nhỏ, đến một lúc nào đó sẽ vỡ ra.
Đọc thêm: Cách cấp cứu đột quỵ não
4, Cách điều trị vỡ mạch máu não
Theo TS.BS Mai Duy Tôn (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai), việc điều trị vỡ mạch máu não được thực hiện theo các phương pháp dưới đây:
1, Điều trị nội khoa
Điều trị đột quỵ chảy máu não tùy thuộc nguyên nhân gây chảy máu (ví dụ do tăng huyết áp, sử dụng các thuốc chống đông, chất thương sọ não, bất thường mạch máu não). Hầu hết bệnh nhân cần được theo dõi sát và liên tục tại các đơn vị hồi sức cấp cứu trong và sau khi bị vỡ mạch máu não. Chăm sóc ban đầu đối với một bệnh nhân đột quỵ vỡ mạch máu não bao gồm:
- Xác định nguyên nhân chảy máu
- Kiểm soát huyết áp
- Ngừng tất cả các thuốc có thể gây chảy máu ( ví dụ: aspirin, warfarin).
- Đo và kiểm soát áp lực nội sọ.
2, Điều trị phẫu thuật
Phẫu thuật có thể được chỉ định để ngăn ngừa hoặc làm dừng chảy máu hoặc giảm áp lực bên trong hộp sọ. Tùy thuộc mức độ nặng của mạch máu não và tình trạng bệnh nhân, phẫu thuật sẽ được thực hiện trong vòng 48 đến 72 giờ đầu sau chảy máu hoặc có thể trì hoãn sau một đến hai tuần để cho tình trạng bệnh nhân ổn định.
a, Điều trị túi phình mạch não:
Túi phình bản chất cũng là một phần mạch máu mà có một khu vực bị yếu và phình ra. Nếu chỗ phình bị vỡ thì sẽ gây ra vỡ mạch máu não. Dùng một kẹp ở cổ túi phình mạch não để ngăn ngừa chảy máu ở bệnh nhân có túi phình chưa vỡ hoặc ngăn ngừa chảy máu tái phát ở những bệnh nhân có túi phình đã vỡ.
Phương pháp phẫu thuật này đòi hỏi thầy thuốc phải lấy bỏ một miếng xương sọ, thường được thực hiện sau khi bệnh nhân đã được gây mê toàn thân, và thời gian thực hiện khoảng vài giờ. Kết thúc phẫu thuật, thường mảnh xương sọ sẽ được lắp lại đúng vị trí cũ.
Nút vòng kim loại (coil) là một thủ thuật can thiệp ít xâm lấn hơn so với phẫu thuật, được thực hiện trong lúc cho bệnh nhân gây mê hoặc gây ngủ bằng thuốc. Nó được thực hiện bằng cách đặt một ống đàn hồi (catheter) vào trong động mạch qua đường vào tại động mạch đùi. Catheter được điều chỉnh dọc theo mạch máu trong cơ thể và lên mạch máu trong não đến chỗ túi phình mạch não. Các vòng xoắn kim loại nhỏ (coil) được thả vào chỗ túi phình cho đến lấp đầy túi phình mạch não. Các cục máu đông được hình thành bên trong các coil ngăn dòng máu không chảy vào túi phình và ngăn túi phình bị vỡ lại. Ngoài vòng xoắn kim loại, các chất liệu khác cũng có thể được đưa vào để làm bít tắc túi phình mạch não hoặc chỗ dị dạng động tĩnh mạch ( AVM: arteriovenous malformation).
b, Điều trị dị dạng động tĩnh mạch não:
Có một số dạng dị dạng động tĩnh mạch não cũng gây nguy cơ vỡ mạch máu não đáng kể. Tuy nhiên quyết định điều trị AVM tùy thuộc một số yếu tố, các yếu tố chính là: tuổi, vị trí và kích thước AVM, các bất thường các tĩnh mạch dẫn lưu của AVM, tiền sử AVM đã vỡ hay chưa. Điều trị bao gồm phẫu thuật, nút mạch và phẫu thuật gabaknife.
c, Mở sọ giảm áp:
Khi tính mạng của bệnh nhân bị đe dọa do tăng áp lực của cục máu đông ở trong não, thầy thuốc có thể xem xét một phẫu thuật để mở xương sọ và/hoặc lấy bỏ máu tụ. Những yếu tố cần xem xét bao gồm: vị trí và kích thước chảy máu, tuổi của bệnh nhân, tình trạng của bệnh nhân và khả năng hồi phục sau vỡ mạch máu não. Vấn đề cốt lõi nhất trong điều trị vỡ mạch máu não là loại bỏ được khối máu tụ và khôi phục khoảng trống cho tế bào thần kinh. Nhưng thực hiện được là điều không hề dễ dàng.
5, Phòng tránh vỡ mạch máu não
Để phòng tránh bệnh vỡ mạch máu não mọi người cần lưu ý:
- Thăm khám định kỳ và kiểm tra huyết áp: Cao huyết áp là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh vỡ mạch máu não. Những người có tiền sử bị bệnh cao huyết áp hoặc những người tuy chưa được chẩn đoán là bị cao huyết áp, nhưng có những triệu chứng đau đầu, chóng mặt hoặc có người thân bị bệnh cao huyết áp cần chú ý thường xuyên kiểm tra đo huyết áp. Nếu phát hiện bị cao huyết áp cần tích cực khống chế, uống thuốc điều hòa huyết áp để ngăn chặn bệnh vỡ mạch máu não xảy ra.
- Giữ tinh thần khỏe mạnh: Tránh hưng phấn quá độ, kích động mạnh, lo nghĩ, buồn phiền nhiều. Giữ trạng thái tinh thần lạc quan, thanh thản, độ lượng, vị tha và yêu đời.
- Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh: Sinh hoạt mọi mặt có quy luật, nền nếp, bảo đảm ngủ đủ giấc, đúng giờ, tránh thức khuya, căng thẳng, hạn chế ăn uống, khống chế thể trọng, chống béo phì, cai thuốc lá, tránh uống nhiều bia rượu.
- Thường xuyên luyện tập thể dục: Việc thường xuyên luyện tập thể dục thể thao sẽ giúp lưu thông máu và oxy lên não. Đồng thời tăng cường sức đề kháng để chống chọi với các căn bệnh như: béo phì, tim mạch, huyết áp, đột quỵ, tai biến…
Tóm lại, vỡ mạch máu não là một căn bệnh nguy hiểm, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Do đó việc nắm bắt những kiến thức về căn bệnh này có thể giúp chúng ta thoát khỏi được những tổn thương nghiêm trọng, thậm chí tử vong từ bệnh vỡ mạch máu não gây ra.
Xem thêm: Bài thuốc chống đột quỵ não
Bài viêt liên quan
- Nguyên nhân teo não & Những nguy cơ tiềm ẩn của bệnh
- Bệnh teo não nên ăn gì? Top những thực phẩm gây teo não cần tránh
- Dấu hiệu teo não - Những triệu chứng nguy hiểm cần lưu ý
- Bệnh teo não ở người trẻ tuổi - Nguyên nhân và cách phòng bệnh
- Teo não tuổi già - Nguyên nhân, hiện tượng, cách chữa bệnh
- Bệnh thoái hoá tiểu não - Dấu hiệu và cách điều trị
- Cây thành ngạnh| Cây thuốc quý chữa teo & tăng trí nhớ